Trang chủ - Tin tức mới

Chung cư ông Thản : Tưởng rẻ mà không rẻ

Việc Mường Thanh bán nhà giá rẻ ra thị trường là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, câu chuyện mua được nhà giá rẻ và cái giá thực sự phải trả khiến nhiều người mệt mỏi.

Giá bán là một trong những câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất về Mường Thanh. Giá rẻ, hợp túi tiền, diện tích căn hộ vừa phải, thanh toán linh hoạt… là những lợi thế mà người mua nhà không thể phủ nhận.

Giá có rẻ?

Các căn hộ của Mường Thanh thường bán với mức gần như rẻ nhất thị trường nên gây được sức hút rất lớn. Các chung cư của Mường Thanh thường có giá khoảng 11-16 triệu đồng/m2.

Tổ hợp chung cư Tân Triều, khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì), khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ có giá chỉ 11-14 triệu đồng/m2; lô chung cư HH tại Linh Đàm giá chỉ từ 13-15,5 triệu đồng/m2; lô chung cư VP Linh Đàm, Mường Thanh cũng tuyên bố giá sốc chỉ 14-16 triệu…

Tuy nhiên, theo nhiều người mua nhà, việc mua được giá bán chủ đầu tư tuyên bố là chuyện không hề đơn giản.

Chị Nguyễn Thị Nhung (khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ) chia sẻ vợ chồng chị "nhờ quan hệ rộng", mua được một căn hộ gần 100 m2 với giá khoảng 12 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, may mắn được như chị không nhiều. Chị Nhung cho biết tuy tầm giá của Kim Văn - Kim Lũ vào khoảng 11-14 triệu/m2 nhưng người mua có thể phải trả giá cao hơn nhiều.

Đầu tiên là việc không phải ai cũng biết nguồn, mua đúng thời điểm và "biết" mua được trực tiếp từ chủ đầu tư. Phần lớn người mua phải thông qua môi giới, bị đội lên từ 1 đến 2 triệu/m2; lúc cao điểm sốt hàng có thể chênh 3-4 triệu đồng/m2.

Thậm chí một số gia đình thiếu may mắn hơn, không thể mua qua môi giới do hết hàng nên phải mua lại của một số người đầu cơ. Khi đó giá lại đội thêm 1-2 triệu/m2 nữa.

Tính tổng giá bán chênh lệch có thể lên đến 14-20 triệu đồng/m2. Giá 20 triệu/m2 đã tiệm cận mức căn hộ tầm trung.

Anh Đức Tuấn (cư dân tòa HH4 Linh Đàm) cho biết anh mua được căn hộ 67 m2 của đại gia điếu cày ngay ngày đầu tiên mở bán, với giá sổ sách là 14 triệu/m2, cộng thêm khoản tiền chênh 92 triệu.

"Đó là mức chênh khá hời, mình "thập diện mai phục" mãi mới được đấy", anh Tuấn chia sẻ. Hàng xóm của anh có người phải chi khoản chênh tới hơn 200 triệu cho diện tích tương tự. 

'Của rẻ là của chát'

Bạn đọc Trần Thế Dũng chia sẻ trên Zing.vn: "Cứ nói nhà ông Thản giá rẻ nhưng ai từng mua mới thấy là không hề rẻ, thậm chí là rất đắt".

Anh Dũng cho biết anh mua nhà với giá khoảng 16 triệu/m2, nhưng khi nhận nhà thì không ở được ngay vì thiếu bếp, cửa nhà làm bằng gỗ công nghiệp ọp ẹp, đèn chiếu sáng rất ít và chất lượng kém, bình nóng lạnh không có, thiết bị vệ sinh chắp vá, rẻ tiền... "Nói chung, đó chỉ là 4 bức tường xây kín lên thành "cái nhà", muốn ở được phải bỏ thêm 2-3 triệu/m2 để sửa chữa", anh chua chát.

Trước khi dọn vào nhà mới, anh Dũng đã phải chi khoản khá lớn để cải tạo, khiến giá thực tế cao chót vót.

Hơn nữa, tập đoàn Mường Thanh tận thu từng xu của dân. Cụ thể, để làm sàn gỗ, chủ nhà phải nộp 500.000 đồng, làm trần thạch cao phải nộp thêm 500.000 đồng... 

Anh Đức Tuấn cho biết doanh nghiệp của "đại gia điếu cày" gọi đó là phí dọn vệ sinh phục vụ sửa chữa. Với những gia đình muốn cải tạo tường nhà trong căn hộ, doanh nghiệp này còn tính phí đập phá là 2 triệu đồng/m3. Đó là chưa kể việc lắp công tơ điện, đồng hồ nước cũng được tính phí 1 triệu đồng cho mỗi hạng mục. 

Quay lại trường hợp chị Nhung, không chỉ tốn tiền hoàn thiện nhà để ở, trong quá trình sinh sống, gia đình chị và nhiều căn hộ khác gặp phải các hỏng hóc do chất lượng xây dựng.

Nhà nào nhẹ thì bị bong tróc tường, trần, nhà nào nặng thì bị ngấm nước nhà vệ sinh, trần thạch cao bị xệ, bồn cầu thường xuyên bị tắc…

Thậm chí, có một vài căn hộ đã từng chứng kiến cảnh bị vỡ đường ống nước làm nước tràn cả một tầng. Người dân phải chứng kiến cảnh “nước ngập” trên tầng cao rất éo le.

Còn tại các khu đô thị khác, tuy phải trả một khoản tiền nhỏ hơn để mua nhà, nhưng người dân vô tình “mua phải” rất nhiều sự bất tiện không thể diễn tả.

Tại tổ hợp chung cư HH tại Linh Đàm, Mường Thanh xây dựng một lúc 4 tổ hợp nhà cao chừng 35 tầng (20 căn hộ/ tầng) trên khu đất khoảng 4 ha. Mỗi tổ hợp lại gồm 3 đơn nguyên nhà A, B, C nên tổng cộng có tới 12 đơn nguyên.

Chia trung bình mỗi đơn nguyên có khoảng 3.300m2 đất nền. Theo tính toán của Zing.vn, mặt bằng xây dựng mỗi đơn nguyên vào khoảng 1.600 m2. Như vậy chỉ còn khoảng 1.700 m2 cho các công trình công cộng, đường đi, khu vui chơi… Tính ra mật độ xây dựng lên đến gần 50%, trong khi chủ đầu tư cam kết mật độ xây dựng từ 25 đến 30%.

Hơn nữa, mỗi đơn nguyên ở tổ hợp HH4 có 700 căn hộ trong khi các tổ hợp còn lại có 800 căn hộ ở mỗi tổ hợp. Tính tổng hợp, khi hoàn thành khu HH Linh Đàm có đến 8.500 căn hộ. Giả sử trung bình mỗi căn hộ có 4 người ở thì dân số trong tổ hợp 4 ha này lên đến 34.000 người. Một con số khiến nhiều người cảm thấy choáng váng.

Một điều bất hợp lý nữa tại đây là tầng hầm hạn chế khiến 8.500 căn hộ luôn trong cảnh thiếu chỗ để xe.

Các khu công cộng như khu vui chơi trẻ em, đường đi, bồn hoa, tiểu cảnh vốn đã ít lại quá tải bởi số lượng người quá đông.

Những điều trên không chỉ xảy ra tại tổ hợp HH Linh Đàm mà còn xảy ra tại hầu hết khu đô thị của Mường Thanh. Người dân thường gọi các công trình này là “chung cư tổ kiến” một cách chua chát.

Tính ra, với giá mua vốn không hẳn rẻ do bị đội giá, người dân lại không được hưởng những điều kiện tiện ích cơ bản một cách trọn vẹn như hầm để xe, khu vui chơi trẻ em, các tiện ích như quảng cáo…

Đấy là chưa kể đến công tác vận hành tòa nhà, đảm bảo an ninh trật tự vẫn còn rất nhiều bức xúc, hạn chế. Vì vậy, nhà của “đại gia điếu cày” tưởng rẻ mà không hề rẻ chút nào.

Tin liên quan

Thị trường bất động sản ra sao khi đại dịch Covid-19 bùng phát?

Ngoài BĐS nghỉ dưỡng, phân khúc nào chịu ảnh hưởng của Covid-19?

Homestay hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang tại Ninh Bình

Dự án Aio City bị thanh tra kiến nghị

Tổng giám đốc FLC: Doanh nghiệp BĐS lao đao vì nhiều điểm nghẽn

Chiến lược mua bất động sản thời bão giá

Thị trường bất động sản 2020: Vào chiều sâu, ít nguy cơ "bong bóng"

Trở ngại của thị trường bất động sản không nằm ở sức cầu

Dân sẵn tiền nhưng ít sản phẩm để mua, BĐS 2020 có rơi vào khủng hoảng?

Những tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản 2020

Sau 2 năm Quy hoạch Thủ đô, BĐS khu Đông phát triển bứt phá

Căn hộ duplex hơn 100 m2 với giá từ 3 tỷ đang thu hút doanh nhân thành đạt

Biệt thự 18 triệu USD của tỷ phú Mỹ

Bất động sản nghỉ dưỡng biến đổi mạnh với thế hệ du khách mới

Khu vực nào Hà Nội đang nóng sốt ăn theo siêu sự án?

Giá đất 2020 tăng, áp lực cho người mua nhà thêm nặng?

Năm 2020, nguồn vốn đổ vào bất động sản vẫn dồi dào

Nhà đầu tư bất động sản gặp khó khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng

Hà Nội phê duyệt đề cương phát triển đô thị đến năm 2030

Những sự việc “ồn ào” nhất năm 2019 của thị trường bất động sản