Tuyên bố bất ngờ về việc tham gia phân khúc bất động sản bình dân của Vingroup gây sóng trên thị trường. Nhưng sản phẩm VinCity có thực sự rẻ và hấp dẫn?
Vingroup vừa công bố kết hoạch tham gia phân khúc nhà ở đại chúng, khi tuyên bố sẽ tung ra thị trường từ 200.000 – 300.000 căn hộ trong 5 năm tới với thương hiệu VinCity. Các tỉnh thành phố mà doanh nghiệp dự kiến xây dựng nhà cho phân khúc này là Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Khánh Hòa.
Theo thông tin từ tập đoàn này, giá của các căn hộ VinCity trung bình khoảng 15 triệu đồng/m2. Các căn hộ sẽ có diện tích 39 – 90 m2. Ở các địa phương như Hà Tĩnh, Thanh Hóa… ông lớn bất động sản này kỳ vọng sẽ đưa ra giá căn hộ giá thấp hơn nữa, phụ thuộc vào tiền đất mà doanh nghiệp trả cho địa phương. Dự kiến, giá bán có thể từ 450 triệu đồng/căn hộ.
Các năm qua, trên thị trường đã có nhiều đơn vị làm nhà giá rẻ và bình dân như Viglacera, Nam Long, Hanco 3, Vinaconex, Mường Thanh, Becamex… Các doanh nghiệp này đều có lợi thế và tạo dựng được thương hiệu riêng với mức giá rất bình dân, tiếp cận được nhiều đối tượng người có thu nhập trung bình thấp.
Đơn cử như Viglacera cho ra mắt dự án nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá làm nóng thị trường Hà Nội một thời gian. Giá bán căn hộ chỉ 9 - 11,6 triệu đồng/m2.
Vinaconex cũng công bố dự án nhà ở giá rẻ tại Xuân Mai với hàng nghìn căn hộ chỉ từ 8 triệu đồng/m2.
Khu vực phía Nam, Becamex cũng từng gây bất ngờ với dự án nhà “siêu rẻ” chỉ từ 4 triệu đồng/m2, giai đoạn 2 là 8 triệu đồng/ m2 với loại hình căn hộ siêu nhỏ.
Mới đây nhất, Mường Thanh công bố đang triển khai xây dựng 9 tòa chung cư với số lượng lên đến gần 3.000 căn có diện tích 45 - 80 m2. Dự kiến từ giờ đến cuối năm, chủ đầu tư này sẽ tung một lượng lớn căn hộ ra thị trường với mức giá bán 11 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT), tổng giá trị căn hộ 500-600 triệu đồng/căn.
Theo tính toán, giá nhà ở của VinCity thuộc phân khúc trung bình so với nhiều đối thủ hiện nay.
Nếu so với các đối thủ thuộc phân khúc nhà ở xã hội như Viglacera và Becamex thì VinCity có giá bán cao hơn hẳn.
Về chất lượng nhà và thiết kế, vì sản phẩm chưa ra mắt nên việc so sánh là không thể. Vậy sức hấp dẫn của VinCity nằm ở đâu để phả độ nóng lên thị trường bình dân?
Lợi thế của dòng sản phẩm này hiện nay mới nằm ở thương hiệu, cam kết tiện ích đồng bộ, tốc độ của chủ đầu tư. Tuy nhiên, nếu so với những đối thủ cũng có cam kết đầu tư đồng bộ về hạ tầng, tiện ích, thậm chí vị trí xây dựng còn gần trung tâm hơn thì giá của VinCity không rẻ.
Đơn cử tại Hà Nội, hai dự án mà Vingroup và Mường Thanh vừa công bố mới đây đều có cam kết khá tương đồng về tiện ích, mật độ xây dựng.
Tại dự án nhà giá rẻ trong Khu đô thị Thanh Hà, tập đoàn Mường Thanh sau những lùm xùm về chất lượng nhà ở một loạt khu đô thị chen chúc, cho biết sẽ đầu tư hạ tầng tiện ích đồng bộ để thay đổi cái nhìn về nhà giá rẻ.
Dự án mới lại nằm cạnh hai khu hồ điều hòa rộng 32 ha. Chủ đầu tư cam kết mật độ cây xanh công viên lớn, mật độ xây dựng khoảng 25 - 30%. Các công trình nhà trẻ mẫu giáo, trường cấp 2 tại dự án này cũng đang được triển khai.
Với VinCity, chủ đầu tư cũng cam kết cung cấp đầy đủ hệ thống tiện ích thiết yếu cho cư dân như y tế, trường học, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích, cây xanh, cảnh quan, các khu thể thao và hạ tầng dịch vụ… mật độ xây dựng từ 20 - 25%. Tập đoàn này cho biết tiện ích của VinCity sẽ không thua kém Vinhomes, vốn là thương hiệu uy tín của chủ đầu tư này.
Xét về vị trí, cả 2 dự án của Vingroup và Mường Thanh ở Hà Nội đều khá xa trung tâm. Dự án của Mường Thanh còn có lợi thế hơn về vị trí, khi nằm ngay khu vực được quy hoạch làm đường vành đai 4 - không quá xa trung tâm quận Hà Đông. Đó là chưa so sánh vị trí của VinCity với những dự án chung cư cùng phân khúc khác tại khu vực Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông…
Một dự án VinCity khác nằm tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên khá gần Khu đô thị Ecopark. Theo khảo sát, giá bán tại chung cư của Ecopark vào khoảng 18 - 25 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí. Tuy cao hơn so với giá 13 - 19 triệu đồng/m2 của VinCity nhưng Ecopark có hạ tầng tiện ích vượt trội, giá trị được định vị tiệm cận căn hộ cao cấp.
Tất nhiên, không thể có một sự so sánh chính xác giữa các dự án với nhau, bởi giá bán căn hộ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: vị trí, chất lượng xây dựng, uy tín chủ đầu tư, nội thất dự kiến…
Cũng phải nói thêm, từ giá bán của chủ đầu tư đến giá thực tế mà người mua chi trả còn độ vênh khá lớn, nhất là tại phân khúc nhà giá rẻ. Khi khách hàng có thể phải trả khoản tiền chênh lớn, lên tới vài trăm triệu để sở hữu nhà.
Tuy nhiên, yếu tố giá là một phần quan trọng giúp định vị sản phẩm và cho thấy đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp.
Phải đợi đến năm 2018, khi sản phẩm VinCity đầu tiên ra mắt chúng ta mới có cái nhìn chính xác khi đưa lên bàn cân cùng với các đối thủ khác. Chỉ biết rằng, một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt vào phân khúc này chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Tin liên quan
Thị trường bất động sản ra sao khi đại dịch Covid-19 bùng phát?
Ngoài BĐS nghỉ dưỡng, phân khúc nào chịu ảnh hưởng của Covid-19?
Homestay hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang tại Ninh Bình
Dự án Aio City bị thanh tra kiến nghị
Tổng giám đốc FLC: Doanh nghiệp BĐS lao đao vì nhiều điểm nghẽn
Chiến lược mua bất động sản thời bão giá
Thị trường bất động sản 2020: Vào chiều sâu, ít nguy cơ "bong bóng"
Trở ngại của thị trường bất động sản không nằm ở sức cầu
Dân sẵn tiền nhưng ít sản phẩm để mua, BĐS 2020 có rơi vào khủng hoảng?
Những tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản 2020
Sau 2 năm Quy hoạch Thủ đô, BĐS khu Đông phát triển bứt phá
Căn hộ duplex hơn 100 m2 với giá từ 3 tỷ đang thu hút doanh nhân thành đạt
Biệt thự 18 triệu USD của tỷ phú Mỹ
Bất động sản nghỉ dưỡng biến đổi mạnh với thế hệ du khách mới
Khu vực nào Hà Nội đang nóng sốt ăn theo siêu sự án?
Giá đất 2020 tăng, áp lực cho người mua nhà thêm nặng?
Năm 2020, nguồn vốn đổ vào bất động sản vẫn dồi dào
Nhà đầu tư bất động sản gặp khó khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng
Hà Nội phê duyệt đề cương phát triển đô thị đến năm 2030
Những sự việc “ồn ào” nhất năm 2019 của thị trường bất động sản