Trái với vẻ hào nhoáng bên ngoài mặt đường, những “căn nhà 3 không” nằm sâu trong những con ngõ ở phố cổ Hà Nội được định giá rẻ như cho chỉ 5 triệu đồng/m2, nhưng bán không ai mua
Từ trước đến nay, ai cũng nghĩ giá nhà đất phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) luôn nằm trong top đắt đỏ của thế giới. Điều đó không sai, song, vẫn có những “căn nhà 3 không” được chính chủ nhân của chúng định giá chỉ từ 3 - 5 triệu đồng/m2.
Theo báo cáo của Ban quản lý phố cổ Hà Nội, toàn bộ khu phố cổ Hà Nội hiện gồm hơn 4.000 biển số nhà. Mỗi số nhà có diện tích trung bình 92m2, có tới 3-4 gia đình sinh sống, diện tích ở chỉ đạt 0,5 - 1,8 m2/người. Trong đó, 63% nhà đã xuống cấp, 12% nhà thuộc diện nguy hiểm, 5% nhà ô nhiễm.
Mật độ dân tại đây đã lên tới hơn 84.000 người/km2, thuộc loại cao nhất thế giới. Phố cổ Hà Nội có gần 1.000 ngôi nhà cổ xây dựng từ hơn 100 năm trước, đa phần hư hỏng nặng, bị cơi nới, sửa chữa tự phát. Tại khu vực cũng đã xuất hiện nhiều “kiểu nhà lụp xụp” với số lượng lên đến hơn 500 căn. Đây chính là nguồn gốc của những "căn nhà" có giá siêu rẻ, bán chẳng ai thèm mua.
Trong một con ngõ không tên tại phố Hàng Chiếu, có hộ gia đình bà N. (78 tuổi) với 12 người sống chung trong một căn nhà vỏn vẹn 9m2, với 1 tầng, 1 gác xép. Căn nhà của bà N. phải tận dụng tối đa mọi khoảng trống để các thành viên trong gia đình có thể…. ngủ và đặc biệt, “căn nhà” này không có... nhà vệ sinh.
Bà N. tỏ vẻ ngạc nhiên khi có người hỏi thăm mua nhà: “Nếu có ai mua nhà trong khu vực này, phải chấp nhận 3 không: Không nhà vệ sinh, không hộ khẩu và không có số nhà”.
Trong con ngõ không tên của hộ gia đình bà N. có tới hơn 10 hộ dân cùng chung sống. Tất cả hộ gia đình trên đều có diện tích rất nhỏ, dưới 10m2, hiếm có nhà nào có diện tích trên 30m2. Thậm chí, có "nhà" chỉ vài m2 được xây vắt vẻo trên thành tường, không có diện tích mặt đất. Những "căn nhà" càng nhỏ được định giá càng rẻ.
Chị Lan, một hộ dân sống tại đây, cho biết: “Nhà chị bán 5 triệu/m2, em mua không chị bán. Nhưng chị phải nhắc em rằng, nếu có mua cũng không làm nhập khẩu được đâu vì không đủ diện tích. Ngoài ra, phải đi vệ sinh chung như thời bao cấp, không có chỗ để xe”.
Chị Lan giải thích để được cấp hộ khẩu "made in Hà Nội" phải đảm bảo tối thiểu diện tích 15m2/người, "trong ngõ này, 15m2 cho 10 người thì có, chứ 15m2 cho 1 người thì không".
Đồng quan điểm với chị Lan, anh Hoàng Văn Xuân và con trai hiện sinh sống trong căn nhà siêu nhỏ có diện tích 5m2 (ngõ 44 Hàng Buồm), nói: "Cũng mang cái danh phố cổ đấy, bán có vài triệu đồng/m2 nhưng cũng có ai mua đâu".
Diện tích quá chật hẹp nên toàn bộ xe máy của các hộ gia đình sinh sống sau con ngõ đều phải đem đi gửi vì không còn chỗ để dựng. Đối với những chiếc xe đạp, muốn đi được vào trong ngõ, người ta chỉ có cách ngồi lên xe và dùng hai tay vịn bên bờ tường đẩy xe đi vào. Thậm chí, một người lớn di chuyển còn khó khăn, nếu có hai người đi ngược chiều thì chỉ còn nước… "bó tay".
Trong khi đó, giá nhà mặt đường tại khu vực phố cổ Hà Nội, đặc biệt là khu đất xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm luôn được mệnh danh là khu đất “kim cương” của Việt Nam, giá bán của chúng ngang hàng với các thành phố nổi tiếng trên thế giới như Paris, Toyko, Osaka hay New York,...
Tại một số tuyến phố “kim cương” như Hàng Ngang - Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ có thời điểm giá nhà đất được đẩy lên tới 1,2 tỷ đồng/m2. Các tuyến phố khác trong phố cổ Hà Nội có giá dao động từ 500 - 800 triệu đồng/m2.
Cụ thể, một căn nhà trên phố Hàng Bông, cách bờ Hồ khoảng 300m đang được rao bán 12 tỷ đồng cho tổng cộng 18m2 với 1,5m mặt tiền.
Ông Đỗ Trung Hà, một chuyên gia bất động sản tại Hà Nội, cho biết nhu cầu mua - bán nhà tại phố cổ hiện tại đã không còn “nóng” như cách đây vài năm. Thay vào đó, người đến đây thuê nhiều hơn người mua.
Giá thuê nhà mặt đường phố cổ rất đắt, thậm chí có thể lên tới 1.000 USD nếu tại các khu đất vàng như Hàng Ngang - Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, một số tuyến phố khác trong khu vực này tuy có rẻ hơn nhưng vẫn rất đắt đỏ. Một căn nhà trên phố Hàng Nón, chỉ rộng 12m2 với 1,5m mặt tiền, chủ nhân ngôi nhà không ngần ngại ra giá 22 triệu đồng/tháng, đóng theo quý hoặc 6 tháng/lần.
Tuy nhiên, việc kinh doanh trong khu vực phố cổ lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp đặc biệt là điểm đến của nhiều du khách nước ngoài nên cho dù giá thuê có cao ngất ngưởng thì người kinh doanh cũng chẳng sợ lỗ.
Theo VTC News
Tin liên quan
Thị trường bất động sản ra sao khi đại dịch Covid-19 bùng phát?
Ngoài BĐS nghỉ dưỡng, phân khúc nào chịu ảnh hưởng của Covid-19?
Homestay hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang tại Ninh Bình
Dự án Aio City bị thanh tra kiến nghị
Tổng giám đốc FLC: Doanh nghiệp BĐS lao đao vì nhiều điểm nghẽn
Chiến lược mua bất động sản thời bão giá
Thị trường bất động sản 2020: Vào chiều sâu, ít nguy cơ "bong bóng"
Trở ngại của thị trường bất động sản không nằm ở sức cầu
Dân sẵn tiền nhưng ít sản phẩm để mua, BĐS 2020 có rơi vào khủng hoảng?
Những tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản 2020
Sau 2 năm Quy hoạch Thủ đô, BĐS khu Đông phát triển bứt phá
Căn hộ duplex hơn 100 m2 với giá từ 3 tỷ đang thu hút doanh nhân thành đạt
Biệt thự 18 triệu USD của tỷ phú Mỹ
Bất động sản nghỉ dưỡng biến đổi mạnh với thế hệ du khách mới
Khu vực nào Hà Nội đang nóng sốt ăn theo siêu sự án?
Giá đất 2020 tăng, áp lực cho người mua nhà thêm nặng?
Năm 2020, nguồn vốn đổ vào bất động sản vẫn dồi dào
Nhà đầu tư bất động sản gặp khó khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng
Hà Nội phê duyệt đề cương phát triển đô thị đến năm 2030
Những sự việc “ồn ào” nhất năm 2019 của thị trường bất động sản